Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những khám phá khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987. Khu lăng mộ là khu bảo tồn văn hóa quốc gia quan trọng ở Trung Quốc. Vì vậy, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến đây để tìm hiểu và trải nghiệm.
1. Tần Thủy Hoàng là ai?
Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 TCN. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và là người đầu tiên chấm dứt thời kỳ Chiến quốc, thống nhất Trung Quốc. Kế vị cha, ông lên ngôi vua từ năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế ở tuổi 38. Sau khi chinh phục 6 nước chư hầu, Tần Thủy Hoàng tự đặt cho mình danh xưng Thủy hoàng đế với mục đích chứng minh rằng nhà Tần vĩ đại hơn các triều đại khác.
Lý do ông xây dựng lăng mộ.
Tần Thủy Hoàng là người luôn ám ảnh về cái chết, ông luôn khao khát tìm kiếm một phương thuốc trường sinh. Ông đã cho xây dựng một hệ thống đường hầm với nhiều lối đi ngầm trong cung điện của mình và chỉ di chuyển trong thành qua hệ thống này. Tần đế được cho là đã xây dựng một cung điện dưới lòng đất, với kết cấu kiến trúc tương tự và diện tích bằng 1/3 hoàng cung thật trên mặt đất để tránh nguy cơ bị ám sát.
Sự ám ảnh cái chết thậm chí khiến Tần Thủy Hoàng khi mới lên ngôi ở tuổi 13 đã ra lệnh xây dựng lăng mộ khổng lồ dưới lòng đất tại núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia.
2. Vị trí Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Đến nay Lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ngôi mộ vẫn chưa được khai quật cho đến nay cùng với đó là rất nhiều bí ẩn xoay quanh lăng mộ. Sau 38 năm xây dựng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có chiều dài 260m từ Đông qua Tây và rộng 160m từ Bắc sang Nam. Với tổng diện tích 41.600 m2, tương đương diện tích 5 sân bóng đá quốc tế, đây là lăng mộ lớn nhất trong triều đại Tần và Hán. Mộ chính nằm ở phía Tây Nam của nội thành và hướng về phía đông. Buồng lăng mộ chính chứa quan tài và các hiện vật chôn cất là tâm điểm của quần thể kiến trúc lăng mộ.
3. Tên gọi
Ngoài cái tên được gọi quen thuộc là “Lăng mộ Tần Thủy Hoàng”, lăng mộ còn có một vài cái tên khác như Lăng Đại Linh, nhưng đây không phải tên gọi chính thức của lăng mộ. Một tên gọi khác nữa của lăng mộ được đặt theo tên ngọn núi đặt lăng mộ của vị vua này mang tên Lăng Ly Sơn.
Vì vậy khi đến du lịch tại đây, nếu nghe thấy những cái tên khách dành cho Lăng mộ Tần Thủy Hoàng thì bạn đừng quá ngạc nhiên và hoang mang nhé. Dù vậy thì cái tên Lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn phổ biến và được sử dụng nhiều, rộng rãi nhất.
4. Kiến trúc
Lăng mộ của Hoàng đế Tần đầu tiên là một cấu trúc kết hợp giữa cung điện và lăng mộ, bao gồm lăng mộ, hố chôn cất hàng nghìn người, chiến binh đất nung, xe ngựa, vũ khí bằng đồng,… có dạng hình chóp chữ nhật, kích thước cụ thể từ bắc xuống nam dài 350m, rộng từ đông sang tây 345m, cao 76m. Có 600 mẫu vật xây dựng nghi lễ liên quan nằm rải rác xung quanh.
Đây là lăng mộ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc về bố cục, vật liệu, kỹ thuật đúc và một số lượng lớn đồ dùng tế lễ tinh xảo; đây là nhân chứng đầu tiên của một đế chế thống nhất Trung Quốc, với sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế chưa từng có và phát triển văn hóa, xã hội và nghệ thuật cao. Lăng được xây dựng bởi các nghệ nhân, tù nhân và những người làm việc để nộp thuế. Sau khi lăng được hoàn thành, hầu hết họ đều bị chôn sống trong các hố chôn xung quanh lăng.
Hình ảnh Lăng mộ Tần Thủy Hoàng nhìn từ trên xuống được xây theo 3 tầng bên trên cùng ngoại cung, tầng giữa là nội cung và cuối cùng là tẩm cung còn được gọi là khu vực an táng để quan tài. Khu lăng mộ này được xây dựng dựa theo kiến trúc của thành Hàm Dương.
Theo Sử ký của sử gia Tư Mã Thiên, khu lăng mộ chứa nhiều cung điện và đồ tạo tác, châu báu quý hiếm. Hai con sông Trường Giang và Hoàng Hà chảy vào biển lớn cũng được mô phỏng trong ngôi mộ bằng cách sử dụng thủy ngân. Phần sàn lăng mộ miêu tả các con sông và đặc điểm đất liền, phần trần phía trên là hình trang trí các chòm sao trên trời. Ý tưởng này được cho là để Tần Thủy Hoàng tiếp tục cai trị vương quốc ngay cả khi sang thế giới bên kia.
Khai quật mộ Tần Thủy Hoàng được giới khảo cổ học Trung Quốc tiến hành đã nhiều năm để khám phá những bí ẩn bên trong, tuy nhiên chỉ khai quật các khu vực xung quanh còn phần mộ đá của vị vua này được giữ nguyên.
5. Những bí mật về Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
- Lăng mộ “Bất khả xâm phạm”
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng được chôn cất cùng rất nhiều vàng bạc và châu báu quý giá. Để bảo vệ lăng mộ khỏi sự xâm chiếm của những tay trộm mộ, Tần đế đã cho thiết kế nhiều cạm bẫy chết người bên trong lăng mộ của chính mình.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã nhận thấy lượng thủy ngân ở đây trong lăng mộ cao gấp 280 lần bình thường Thủy ngân vốn là chất kịch độc, có thể nguy hại khôn lường với sức khỏe con người chỉ với liều lượng nhỏ. Cũng bởi thế nên Tần Thủy Hoàng đã lấp đầy lăng mộ bằng thứ chất này để ngăn chặn những kẻ trộm mộ tấn công nơi yên nghỉ của mình.
Ngoài việc đề phòng bọn trộm mộ, Tần Thủy Hoàng cần đến một lượng lớn thủy ngân như vậy là vì thủy ngân là kim loại nặng, hình dạng giống như nước nên được dùng để mô phỏng núi sông trong lăng mộ. Hơn nữa, thủy ngân không dễ bay hơi hoặc oxy hóa, không phản ứng hóa học với các thành phần của không khí, do đó, 100 tấn thủy ngân đã được Tần Thủy Hoàng giữ trong lăng mộ suốt ngần ấy năm. Phương pháp này thực sự đem lại hiệu quả khi mà mãi hơn 2.000 năm sau, lăng mộ dưới lòng đất này vẫn là một ẩn số với nhân loại.
Ghi chép cổ đại cho biết, ở cửa và các lối đi đều ẩn giấu những chiếc nỏ. Một khi chạm vào, nỏ sẽ tự động bắn hạ kẻ xâm nhập. Loại vũ khí này là “kình nỏ” (siêu nỏ), sở hữu tính năng và lực sát thương rất mạnh. Theo ước tính của các học giả, loại nỏ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có tầm bắn hơn 800m, sức căng lên tới hơn 350kg và tự động vận hành. Không loại trừ khả năng những bẫy nỏ này vẫn hoạt động tốt sau hơn 2.000 năm. Một số lượng lớn mũi tên được tìm thấy trong lăng mộ. Theo các nhà khảo cổ học, những mũi tên này không chỉ dễ dàng xuyên qua lớp áo giáp của kẻ thù mà cấu tạo cũng chúng cũng rất phức tạp.
- Lời nguyền chiến binh đất nung
Đội quân đất nung với khoảng 8000 bức tượng là một phần đặc biệt trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đội quân này có kích thức bằng người thật. Các bức tượng người có lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng… đây là những vũ khí được sử dụng ở Trung Hoa thời đó.
Ngoài ra có 130 xe ngựa, 670 con ngựa đã được tìm thấy. Mỗi bức tượng đa phần đều khác nhau về cử chỉ và nét mặt, thậm chí một số bức tượng còn có màu sắc khác biệt. Người ta cho rằng, hầm mộ thứ nhất có pho tượng 6000 binh mã, là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng.
Hầm mộ thứ nhất nằm mặt Tây của Lăng mộ. Hầm mộ thứ hai chứa khoảng 1400 pho tượng kị binh và bộ binh đi cùng xe ngựa, đây được xem là đội cảnh binh, trên diện tích 19.659 m2. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp khác nhau và một xe tứ mã trên diện tích 1524 m2 có 68 pho tượng.
Đây được coi như là một biện pháp tâm linh: Lời nguyền đội quân đất nung. Đội quân hơn 8.000 binh sĩ đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng được cho là lấy nguyên mẫu từ binh sĩ thật của nhà Tần. Đội quân này mang theo “lời nguyền” chết chóc đối với ai mạo phạm nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng.
- Kho báu trong lăng mộ
Trong các bản ghi chép của nhà sử học thời Hán, trong một căn phòng của lăng mộ có cất chứa nhiều những kho báu quý hiếm được thu thập từ nhiều nơi. Có nhiều các thuyền chiến, đá quý cùng nhiều kho báu khác được chôn cất.
Hai cỗ xe ngựa được đúc bằng đồng, toàn thân ngựa kéo màu trắng được tạo từ bột màu trắng trộn cùng keo dính đặc biệt. Kích thức của cỗ xe chỉ bằng một nửa xe so với thực tế nhưng hai cỗ xe này được làm vô cùng chi tiết, rất chân thực và tinh xảo
Rất còn nhiều những điều thú vị ẩn chưa trong Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, hy vọng bài viết sẽ giúp bạn biết thêm những thông tin hữu ích về địa danh này. Nếu trong thời gian sắp tới bạn đặt chân đến nơi đây hãy tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ và chia sẻ lại với PSV Travel nhé!